Chiếc cầu nối ngôn ngữ
Và mong ước thúc đẩy giao lưu Việt – Nhật
Biên – phiên dịch viên
Tazaki Hirono
Tazaki Hirono là một chuyên gia ngôn ngữ. Trong suốt nhiều năm, cô là cầu nối âm thầm thúc đầy các hoạt động giao lưu Việt – Nhật. Cô có kinh nghiệm biên phiên dịch trong nhiều lĩnh vực từ kinh doanh, y tế đến xuất bản… Khó có thể kể hết những cá nhân, doanh nghiệp được cô giúp đỡ. Cô chia sẻ đầy nhiệt huyết về tiếng Việt và mong ước được đóng góp cho việc giao lưu giữa hai nước.
Cú sốc ngôn ngữ
Và con đường đến với thế giới dịch thuật
Khi còn là học sinh trung học, Tazaki luôn mơ ước được sang Bắc Mỹ du học, tận dụng vốn tiếng Anh thành thạo của mình. Tuy nhiên, ngay trước thời điểm thi đại học, cô được bố khuyên rằng Đông Nam Á mới là khu vực ngày càng quan trọng trong tương lai. Lời khuyên này đã làm cô thay đổi định hướng và quyết định theo học tại một khoa mới thành lập trong trường đại học của mình. Tại đây cô có thể theo học song song chuyên ngành tiếng Anh và thêm một ngôn ngữ Đông Nam Á tự chọn khác – tiếng Việt. Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên theo chương trình học, cô đã gặp phải cú sốc đầu tiên.
“Tiếng Việt tôi được học là giọng Hà Nội. Nhưng khi đến thành phố Hồ Chí Minh, tôi nói không ai hiểu cả. Tôi rất ấm ức và quyết tâm sang Việt Nam du học một năm theo chương trình trao đổi sinh viên để tìm hiểu thêm về tiếng Việt.”
Sau khoảng thời gian du học, tiếng Việt của cô đã tốt hơn, hơn nữa cô muốn dùng vốn tiếng Việt đó để tìm hiểu sâu hơn về đất nước, con người Việt Nam. Vì vậy ngay sau khi tốt nghiệp, cô quyết định theo học cao học tại Việt Nam. Sau đó, cô tiếp tục làm công việc biên phiên dịch tại các doanh nghiệp Nhật, gắn bó, sinh sống tại Việt Nam suốt gần 8 năm.
“Tôi rất thích cuộc sống mỗi ngày tại Việt Nam, nhưng đồng thời cũng nhận thấy bản thân chưa có kinh nghiệm làm việc tại Nhật. Vì vậy năm 2011 tôi đã quyết định quay về Nhật Bản và xin vào làm ở vị trí mà tôi có thể phát huy những kinh nghiệm tích lũy được. Tuy nhiên tôi nhận ra điều tôi thực sự yêu thích không phải là công việc văn phòng mà là những cơ hội được va chạm, trực tiếp sử dụng tiếng Việt. Vì vậy năm 2016 tôi nghỉ việc ở công ty và trở thành một biên phiên dịch tự do.”
Cô bắt đầu hành trình mới, song song đó cũng đối mặt với những thử thách mới.
“Giọng miền Trung thực sự là một thách thức lớn đối với tôi. Đặc biệt là khi phiên dịch liên quan đến vấn đề Tư pháp – một lĩnh vực không được phép sai sót khi dịch, tôi thường phải gặp trực tiếp người bản địa và ở đó không ai trong đoàn có thể hiểu được tiếng Việt ngoài mình. Đến bây giờ đó vẫn là một áp lực lớn.”
Những lúc như vậy cô nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ những mối quan hệ mà cô đã xây dựng được.
“Bạn học thời cao học của tôi có nhiều người có học vị, thu nhập cao, còn bạn bè thường ngày thì làm ở nhiều lĩnh vực như dịch vụ, có cả bạn là nghệ nhân. Chính nhờ tạo dựng được mối quan hệ với nhiều tầng lớp xã hội nên tôi học hỏi được nhiều từ lóng, nhiều cách diễn đạt tự nhiên mà với kinh nghiệm của riêng mình tôi sẽ không thể nào biết được.”
Dù có chuyện gì xảy ra
Phía sau tôi vẫn còn đất nước Việt Nam
Mối quan hệ với Việt Nam của Tazaki không chỉ dừng ở công việc mà nó còn làm thay đổi tính cách của cô. Cô có thể suy nghĩ một cách tích cực “Dù có chuyện gì xảy ra thì cũng sẽ có cách giải quyết”.
“Trước đây tôi luôn đắn đo, liệu mình có nuôi được bản thân không, nhỡ mình thất bại thì sao và tôi đã rất e dè trước khi quyết định trở thành phiên dịch tự do. Thế nhưng, tôi nhận thấy người Việt Nam lại không như vậy. Họ nghĩ gì thì sẽ bắt tay vào làm ngay, nếu không được thì chuyển hướng sang việc khác. Tôi có cảm giác họ không bị đóng khung trong suy nghĩ, trong lựa chọn công việc, cuộc đời mình.”
Cho dù có thất bại thì bản thân cũng học được kinh nghiệm. Và cứ thế, cô không chỉ trau dồi về mặt kỹ thuật mà còn thêm vững vàng về mặt tinh thần.
“Nếu không thử thì sẽ không thể biết được. Mối nhân duyên với Việt Nam không chỉ cho tôi biết thêm một ngoại ngữ mà còn có những ảnh hưởng quan trọng đến cuộc đời tôi.”
Giao lưu văn hóa nối tiếp giao lưu kinh tế
Vì những mầm non tương lai
Tazaki chia sẻ sắp tới cô muốn dành nhiều tâm huyết hơn cho việc giao lưu văn hóa. Trước hết là dự án tranh truyện Ehon. Bộ Ehon Nhật Bản “Cùng Chơi Với Gấu Con” do nhà sách Thái Hà xuất bản hiện nay là dự án do chính cô lên kế hoạch đưa về Việt Nam và xuất bản bản dịch tiếng Việt.
“Hiện nay có rất nhiều tác phẩm được yêu thích dành cho giới trẻ được dịch sang tiếng việt, tuy nhiên tôi cũng muốn giới thiệu đến đối tượng độc giả trẻ em nhiều tác phẩm hay của Nhật Bản. Các bạn nhỏ được nuôi dưỡng tâm hồn bằng những tác phẩm này khi lớn lên sẽ tự viết nên tác phẩm của mình và xuất bản tại Nhật. Tôi sẽ tiếp tục công việc dịch sách cho các bạn. Chỉ tưởng tượng ra những điều này tôi đã cảm thấy vui không gì sánh bằng”
Cô cho biết hiện nay việc giao lưu giữa hai nước chủ yếu ở các lĩnh vực học tập – công việc như du học, thực tập sinh, tuy nhiên để phát triển mối quan hệ hai nước thì việc giao lưu trên lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật cũng quan trọng không kém.
“Ngoài những văn hóa truyền thống như thư pháp, trà đạo… còn rất nhiều nét đẹp văn hóa khác. Tôi rất mong bản thân có thể góp phần giới thiệu văn hóa Nhật Bản đến Việt Nam và ngược lại, mang văn hóa Việt Nam đến Nhật Bản.”
Sinh năm 1983 tại Canada. Tốt nghiệp chuyên ngành song ngữ Anh – Việt tại Đại học Ngoại ngữ Kanda.
Sau thời gian du học tại một trường đại học ở Việt Nam, cô làm công việc dịch thuật tại một trang thông tin về Việt Nam có tên “VIETJO”.
Năm 2011 cô trở về Nhật, sau một thời gian làm việc ở các công ty, cô nghỉ việc và trở thành biên phiên dịch tự do. |