Tăng cường sự thấu hiểu giữa kĩ sư hai nước
Bồi dưỡng nguồn nhân lực IT chất lượng cao
GMO Financial Holdings/Kĩ sư IT
Nguyễn Chung Tú
Nguyễn Chung Tú lớn lên trong một gia đình không dư dả về kinh tế. Sau khi nhập học Trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh và đạt được thành tích xuất sắc, anh đã có được cơ hội đến Nhật du học. Qua việc tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa Nhật – Việt và làm tình nguyện viên, anh đã học được cách suy nghĩ của người Nhật và vận dụng điều đó để kết nối các công ty Nhật Bản và nguồn nhân lực IT của Việt Nam với vai trò là kỹ sư IT.
Sự ấm áp của chiếc áo khoác được trao tặng trong mùa đông lạnh giá
Tích cực tham gia giao lưu văn hóa, hoạt động tình nguyện ở vùng bị thiên tai
Anh Tú biết đến sự tuyệt vời của kĩ thuật Nhật Bản từ những chiếc xe máy Honda bền bỉ có thể sử dụng suốt 10 năm mà không hư hỏng. Vì lẽ đó, từ nhỏ anh đã ấp ủ giấc mơ một ngày nào đó được tới Nhật Bản du học. Năm 2006, anh nhập học khoa Điện – Điện tử – Thông tin của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh và tham gia chương trình đào tạo song bằng của trường liên kết với Đại học Công nghệ Nagaoka hướng đến đào tạo những kĩ sư hàng đầu có thể sử dụng tiếng Nhật. Kết hợp thành tích học tập các môn tại trường và thành tích tiếng Nhật, anh đã xuất sắc đứng hạng nhất trong chương trình đào đạo song bằng và lên đường sang Nagaoka vào mùa đông năm 2009.
“Lúc đó tôi không thể chịu đựng được cái lạnh của Nhật và may mắn nhận được món quà là một chiếc áo khoác lông secondhand từ một nhóm người Nhật chuyên hỗ trợ du học sinh. Chiếc áo ấy thật sự rất ấm áp và quý giá đối với tôi. Đó là kỉ niệm đầu tiên giúp tôi cảm nhận được sư ấm áp của người Nhật.”
Trong thời gian du học, anh tham gia Hội giao lưu quốc tế dành cho du học sinh tại Đại học công nghệ Nagaoka (NUTiSA) và tích cực tham gia nhiều hoạt động giới thiệu Việt Nam với người Nhật, tiêu biểu là làm MC cho sự kiện giao lưu Nhật – Việt tại thành phố Nagaoka. Sau khi hoàn thành chương trình cao học, anh chuyển đến Tokyo và vào làm việc cho một doanh nghiệp Nhật Bản. Song song với đi làm tại công ty, anh còn tham gia “BETOAJI”, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên tổ chức các lớp học nấu món Việt Nam. Anh đã hỗ trợ viết công thức nấu ăn, chuẩn bị nguyên liệu, dạy người Nhật cách nấu các món của nước nhà.
“Thông qua những sự kiên như thế, tôi nhận ra rằng người Nhật rất hứng thú vỡi văn hóa Việt Nam như áo dài hay điệu nhảy sạp của các dân tộc thiểu số miền núi Tây Bắc.”
Năm 2011, khi trận đại động đất phía Đông Nhật Bản xảy ra, rất nhiều người đã rơi vào cảnh sống trong các khu tị nạn. Lúc đó, anh Tú đã đăng kí tham gia hoạt động tình nguyện dạy học cho các em nhỏ không thể đến trường.
“Dù tôi không thể giúp đỡ họ về mặt tài chính nhưng tôi muốn góp phần hỗ trợ những người gặp khó khăn bằng sức lực và kiến thức của mình. Tôi dạy Tiếng Anh và Toán cho trẻ em, trò chuyện với những người cao tuổi. Thời gian làm tình nguyện tuy ngắn thôi nhưng tôi đã biết được sự kiên cường của người Nhật. Ngay cả trong nghịch cảnh, họ vẫn duy trì các thói quen như đọc sách, làm việc và học tập hàng ngày mà không hề nản lòng thoái chí.”
Hiểu sự khác biệt trong lối suy nghĩ của người Nhật và người Việt, học hỏi về tinh thần trách nhiệm
Nguyễn Chung Tú thấy rằng mọi vấn đề trong cuộc sống đều liên quan đến tài chính và muốn thử nghiệm khả năng của mình trong lĩnh vực Công nghệ tài chính (Fintech). Hiện tại, anh đang làm việc tại “GMO Financial Holdings”, một công ty chuyên về phát triển hoạt động kinh doanh chứng khoán và ngoại hối (trao đổi tiền tệ quốc tế/FX) cũng như kinh doanh tài sản tiền điện tử, đồng thời cũng tham gia vào việc phát triển hệ thống tài chính. Anh phụ trách kiểm soát chất lượng các ứng dụng điện thoại thông minh để giao dịch các sản phẩm tài chính như ngoại hối. Điều đầu tiên anh cảm nhận được trong công việc là sự khác biệt trong cách suy nghĩ và cách tiếp cận vấn đề giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Anh cho biết: “Người Nhật suy nghĩ rất kĩ và lên kế hoạch rất chi tiết trước khi bắt đầu một việc gì đó. Đôi khi tôi cảm thấy sự chi tiết này hơi gò bó và tại sao không bỏ qua chúng để hoàn thành công việc nhanh hơn. Tuy nhiên, khi đã quen với cách làm việc của người Nhật, tôi hiểu rằng nhờ sự chi tiết, tỉ mỉ đó mới đảm bảo chất lượng và kéo dài tuổi thọ của sản phẩm.”
Tinh thần trách nhiệm, không biện bạch cũng là điều anh học được thông qua công việc của mình.
“Người Nhật được dạy về tinh thần trách nhiệm ngay từ khi còn nhỏ. Chẳng hạn, nếu một đứa trẻ vấp phải đá và té ngã, nhiều bậc cha mẹ Việt Nam ngay lập tức chạy đến bên cạnh đỡ trẻ lên và đổ lỗi cho hòn đá đã làm trẻ té ngã. Ngược lại, người Nhật lại khuyến khích trẻ tự đứng dậy và dạy chúng phải cẩn thận khi đi lại. Đứa trẻ sẽ học được rằng việc vấp phải đá và ngã là lỗi của chính bản thân mình.”
Mong muốn giải quyết tình trạng thiếu nhân lực trong ngành IT tại Nhật Bản
bằng cách phát triển nguồn nhân lực IT tại các công ty Nhật ở nước ngoài
Anh Tú hiện đang làm việc cùng đội ngũ kĩ sư IT Việt Nam trong nhóm xây dựng ứng dụng.
“Tất cả các kĩ sư đều có chuyên môn tốt nhưng các bạn còn thiếu trình độ tiếng Nhật và chưa nắm bắt được cách làm việc của người Nhật nên đôi khi công việc không được suôn sẻ như mong muốn. Nhiệm vụ của tôi là làm cầu nối giữa người Nhật và các kĩ sư Việt để họ hiểu nhau hơn.”
Mong muốn của Tú là ngày càng có nhiều người Việt Nam làm việc trong lĩnh vực IT có cơ hội làm việc tại Nhật Bản.
“Nhật Bản đang thiếu nhân lực IT nhưng ở Việt Nam lại có rất nhiều người trẻ và tài giỏi yêu thích lĩnh vực này. Người Việt Nam có thế mạnh là sức trẻ, khả năng thích ứng với thay đổi, năng lực ứng biến linh hoạt và nhanh chóng. Tận dụng điều này, tôi mong các công ty Nhật Bản sẽ mở rộng tiếp nhận thêm nhiều người Việt Nam vào đào tạo nhân sự, thực tập, làm việc từ xa, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội hơn để cùng nhau tạo ra giá trị mới. Bằng cách này, hai bên có thể hiểu được phương pháp làm việc của nhau và cùng nhau tạo ra giá trị tốt hơn. Nguồn nhân lực người Việt có thể hiểu được cách cư xử, tác phong làm việc của người Nhật thông qua trải nghiệm thực tế, từ đó giúp nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn của Nhật Bản trong tương lai.”
Nguyễn Chung Tú đến Nhật Bản năm 2009 theo chương trình liên kết song bằng giữa Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Công nghệ Nagaoka, tốt nghiệp Khoa Điện – Điện tử – Thông tin năm 2011. Năm 2013, anh nhận bằng thạc sĩ Điện – Điện tử – Thông tin tại cùng trường kể trên. Anh hiện đang là kĩ sư IT tại GMO Financial Holdings, một công ty phát triển hệ thống tài chính – tiền tệ. Anh phụ trách kiểm soát chất lượng các ứng dụng giao dịch FX và nhiều sản phẩm tài chính khác. |